Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2011

Chuyện ma Vùng Miệt Thứ – U Minh

LỜI DẪN

Sáng tạo chuyện ma và kể chuyện ma là một họat động (hay đúng hơn là một sinh hoạt) có từ lâu đời  của nhân loại. Cộng đồng cư dân sống ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó vùng Miệt Thứ-U Minh của Kiên Giang cũng không phải ngoại lệ. Tuỳ theo từng dân tộc, từng vùng miền địa lý mà mỗi nơi có những câu chuyện ma của riêng mình.
Công trình nhỏ sưu tầm và nghiên cứu các mẫu chuyện ma này chỉ sưu tầm, tập hợp, biên tập, giới thiệu một số mẫu chuyện có tính chất tiêu biểu hoặc đặc biệt mà thôi. Qua đó, tiến hành nghiên cứu, phân tích một cách tương cơ bản, khái quát những đặc trưng và giá trị của kho tàng chuyện ma dân gian vùng Miệt Thứ-U Minh.
Riêng phần chuyện kể thành văn là do tác giả lược ghi  và có biên tập lại đôi chỗ cho dễ đọc, dễ cảm nhận, không giống hoàn toàn với phần chuyện kể nguyên gốc đã được ghi âm.
                                                        
PHẦN MỘT

Một số mẫu chuyện ma dân gian tiêu biểu

Những câu chuyện sau đây được trình bày dựa trên sự phân loại theo môi trường sống, sinh hoạt của cư dân vùng đất này, những “nhân vật ma” cũng gắn liền trong môi trường ấy.
* Ghi chú: Toàn bộ tên của các câu chuyện do tác giả đặt.

I/- Chuyện ma có bối cảnh sông nước.


Chuyện thứ nhất: Ma da - Sự biến mất bí ẩn

Hồi thời Tây (thời thuộc Pháp-chú thích của tác giả), vùng này ven sông toàn là rừng lá dừa nước. Đâu đâu cũng thấy cây cối um tùm. Cả con sông cái lớn hết sức hoang vắng. Đi ghe trên sông, hiếm lắm mới thấy thấp thoáng nhà cửa ở xa xa trong bờ. Có lẽ vì sự hoang vắng trong cái khoảng không gian nước và trời bao la và hoang sơ, ẩn chứa nhiều điều bất trắc ấy đã làm cho số cư dân ít ỏi trong vùng luôn cảm thấy sợ hải khi phải xuống sông.
Sợ nhất là bọn trẻ con. Khi rủ nhau tắm sông, người lớn luôn căn dặn phải tắm nhanh nhanh rồi lên ngay, kẻo ma da đến kéo đi mất.
Một hôm, bà Nguyệt cùng vài đứa trẻ ra sông tắm. Sau khi lặn hụp chơi trò móc sình đất chọi (ném-chú thích của tác giả) vào nhau vui vẽ, mắt đứa nào đứa nấy đỏ ngầu vì bị ngâm nước liên tục, bà cùng các bạn định lên bờ về nhà thì thấy thiếu mất một người. Đó là thằng Cu. Thằng này lội (bơi- chú thích của tác giả) rất giỏi. Vậy nên ai cũng tưởng rằng nó trốn đâu đó trong đám dừa nước để hù (doạ-chú thích của tác giả) chúng bạn chơi. Cả bọn bàn với nhau kéo lên bờ để hù lại nó. Nhưng sau khi mọi người lên bờ rồi mà không thấy tăm hơi thằng Cu đâu cả. Phát hoảng, bọn trẻ xúm nhau kêu nó inh ỏi nhưng vẫn không nghe tiếng trả lời.
Vậy là tất cả hớt hải chạy về xóm báo cho người lớn hay để ra tìm nó. Ông Năm, ba của thằng Cu và mấy người đàn ông trong xóm bỏ hết công việc, tức tốc chạy ra sông tìm thằng Cu. Mọi người xúm nhau lặn ngụp mò tìm từ xế trưa đến chạng vạng (chiều tối-chú thích của tác giả) cũng không thấy. Cha mẹ của thằng Cu khóc lóc thảm thương.
Thấy cảnh nầy, mấy người già trong xóm nói với nhau: “Chắc nó bị ma da kéo chết rồi”. Bọn trẻ, mặt mày đứa nào cũng còn tái xanh trước sự biến mất quá đột ngột của thằng bạn, nghe vậy mới hỏi về con ma da ra làm sao. Ông Chín Chơn, người lớn tuổi nhất trong xóm, mới diễn tả lại về con ma này: “Mình mẩy của ma da láng vo, trơn nhớt. Cho nên mình không thể nắm nó được. Còn nó thì nắm mình rất chắc, rồi kéo sâu xuống lòng sông, ai mai mắn lắm mới thoát ra được”.
Trẻ con thường không nhịn gì được lâu, cũng ít cả tin vào cái gì khi chưa thấy. Cho nên, chỉ một thời gian độ mấy tháng sau, những đứa trẻ trong xóm ven sông Cái Lớn lại ra sông tắm. Thời gian đầu, ai cũng tắm rất nhanh và không dám lội ra xa bờ. Nhưng dần dần chuyện về con ma da cũng chỉ làm cho mọi người sờ sợ chứ không ngăn cản được cái thú tắm sông của bọn trẻ. Bởi vì chẳng có đứa nào đã thật sự nhìn thấy con ma da cả. Những buổi tắm sông lại diễn ra rôm rả như cũ.

(Ghi theo lời kể của bà Lê Thị Nguyệt, 67 tuổi ở ấp Vĩnh Trung, xã Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang)

Chuyện thứ hai: Ma da kéo hụt

Hồi mới lập gia đình, tôi và bà xã làm nghề bán ba khía (một loại mắm chế biến từ con ba khía, một loài họ hàng nhà cua sống trên vùng rừng ngập mặn ven biển-Chú thích của tác giả). Đi bán bằng chiếc ghe tam bảng có mui, sinh hoạt luôn trên đó. Cuộc sống ngày đây, mai đó khắp nẽo vùng Miệt Thứ.
Đêm đó buộc ghe dưới “sàn lãn” (sàn nước dựng dưới bờ sông-Chú thích của tác giả) để ngủ. Trời mưa gió, sấm chớp ầm ầm, phải sập rèm xuống mới mong ngủ được. Đến nữa đêm thì ngớt mưa, chỉ còn nghe lắc rắc trên mui ghe. Đang thiu thỉu ngủ (mới bắt đầu chợp mắt-Chú thích của tác giả) thì làm như có tiếng gì kêu lụp cụp trước mũi ghe. Sợ có kẻ ăn trộm, tôi lật đật thức dậy, lấy cây đèn bão (một loại đèn dầu lữa được thiết kế đặc biệt, không sợ gió làm tắt-Chú thích của tác giả) bò ra xem thì chẳng thấy ai. Lại vào ngủ tiếp.
Khi bắt đầu đang mơ mơ, màng màng thì lại nghe tiếng động y hệt như vậy sau lái ghe. Lần nầy tôi ngồi bật dậy và xách đèn ra ngay. Khi chưa chui ra khỏi mui ghe thì nghe tiếng cái gì đó nhảy ùm xuống sông.
Chắc chắn là có người, tôi vội vàng chui nhanh ra lái, rọi đèn xuống mặt sông nhưng cũng không thấy được gì. Ngồi canh một hồi thì cơn buồn ngủ khiến tôi không chịu nổi, phải vô ngủ tiếp.
Đang ngủ, tôi tự nhiên cảm thấy cái gì đó nhớt nhớt, lạnh lạnh quấn vô chân mình. Tôi toát mồ hôi hột với ý nghĩ, đó chính là ma da. Vì trước kia tôi thường nghe cha tôi và bà con trong xóm kể về nó. Vậy là tôi cố kéo mạnh chân mình lại. Nhờ nó có da trơn lu như con lươn, trong khi tôi ở trên khô nên nó tuột ra được. Sau khi để chân tôi bị vuột ra, con ma da rút nhanh xuống nước rồi biến mất.
Vợ tôi có tật ngủ rất mê nên không hay biết gì. Tôi thì vặn cây đèn bão sáng hơn và thức canh luôn cho tới sáng. Nhưng từ đó con ma da không quay trở lại nữa.

(Ghi theo lời kể của ông Ngô Minh Giác, 78 tuổi ở ấp Rọc Lá, xã Tây Yên A, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang)

 II/- Chuyện ma có bối cảnh ruộng, vườn


Chuyện thứ ba: Ma cá

Trong vùng U Minh Thượng thời đó nhiều cá lắm. Vì hồi đó còn rất hoang vu, lại ít người lui tới. Vạt rừng nào mới được khai phá để làm ruộng thì cá đồng nhiều vô kể. Mặc sức mà cắm câu, giăng lưới.
Gia đình tôi ở Kinh Số 1 (xã Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang-chú thích của tác giả).
Hồi đó cắm câu kiếm cá chủ yếu là để ăn, phần lớn không mua bán được với ai. Nhưng ham lắm. Đêm nào tôi với mấy người trong xóm cũng chống sào nạng (một loại sào bằng cây tre, dùng để điều khiển xuồng trên đồng ngập nước-chú thích của tác giả) đi cắm câu. Mỗi người cắm một lần cả mấy trăm cần.
Đêm đó trời êm. Hầu như móc mồi cắm xong cần nào thì sau khi vừa đi khỏi, cá ăn câu ngay. Toàn là cá lóc bự (cá to-chú thích của tác giả). Cắm vừa hết luồng câu, quay trở lại thì tôi không thể tin nổi: cần nào cũng dính cá. Tôi cứ việc gỡ cá xong quăng đại vô giỏ, con nào rớt xuống khoang xuồng cũng thây kệ (mặc kệ-chú thích của tác giả). Thường thì thăm câu xong, tôi  móc mồi cắm lại để sáng ra thăm lần nữa. Nhưng đêm đó tôi cuốn câu luôn, vì thấy bao nhiêu cá đó cũng quá dư rồi.
Loay hoay hoài, đến lúc cuốn hết dàn câu thì đã quá nữa đêm. Về tới nhà, chỉ kịp buộc xuồng ngoài bến, rửa chân sơ sơ là lên nhà ngủ ngay.
Sáng sớm hôm sau, vừa thức dậy, tôi chạy ngay xuống bờ kênh để lấy cá lên. Lúc đó một cảnh tượng lạ lùng hiện ngay trước mắt: toàn bộ số cá đêm qua, bây giờ chỉ còn lại đầu và xương trắng hếu trong giỏ và khoang xuồng.
Đem chuyện lạ đời này hỏi người lớn, ai cũng nói đó là do tôi đã gặp ma cá. Loại “ma” này rất hiền, nó chỉ “nhát” (hù doạ-chú thích của tác giả) người ta theo kiểu như vậy, lâu lâu mới gặp một lần. Phải mấy tháng sau tôi mới dám trở lại vạt ruộng đó cắm câu, cũng không bao giờ dám đi một mình.

(Ghi theo lời kể của ông Lê Chính Trực, 69 tuổi ở Ngã tư Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Bình Nam, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang)


Chuyện thứ tư: Ma tĩnh và những tiếng động dị thường

Hồi xưa, dân xứ nầy làm lúa mùa trên đất phát (ruộng được phát dọn cỏ bằng một công cụ gọi là cây “phảng”-chú thích của tác giả). Cỏ sau khi phát xong thì được cào lại thành bờ giồng để có đất trống cấy lúa. Bờ giồng nằm ngay trên mặt ruộng ngập nước. Ngày qua ngày, cỏ thối dần, bờ giồng xệp xuống chỉ còn cao lé đé (mấp mé-chú thích của tác giả) mặt nước. Đây chính là nơi có rất nhiều nhái tập trung sinh sống. Hàng đêm, người ta xách đèn ra ruộng, men theo các bờ giồng để soi nhái (bắt nhái-chú thích của tác giả) về ăn hoặc để làm mồi cắm câu.
Đêm đó, tôi với mấy người bạn trong xóm rũ nhau ra miếng ruộng gần nhà soi nhái như mọi hôm. Đứa thì xài đèn chai (đèn làm tự chế bằng cái chai, trong đựng dầu lữa, tim đèn nằm ngay miệng chai, thân chai có chế một cái quai cầm cho khỏi nóng-chú thích của tác giả), đứa thì xài đèn lồng (cũng tự chế), mỗi đứa đeo một cái giỏ bầu trên miệng có may thêm một ống bằng vải để nhái khỏi nhãy ra. Mỗi đứa chọn một bờ giồng để soi. Tôi soi trên một giồng cỏ đã mục nát. Thường những giồng như vậy thì nhái nhiều lắm.
Trời đêm im ắng, chỉ có tiếng nhái, tiếng nhóc nhen (một loại nhái xanh-chú thích của tác giả) kêu xen lẫn trong tiếng gió thổi nhẹ làm lá lúa cọ nhau nghe xào xào.
Đang lui cui (loay hoay-chú thích của tác giả) rà đèn lồng soi sát mặt bờ giồng, bổng dưng nghe có tiếng gì kêu “ủng, ủng” giống như tiếng người ta nhận chìm cái tĩnh (một loại giống như cái lọ sành, người ta dùng để dựng nước mắm xưa kia-chú thích của tác giả) xuống nước. Tôi giật mình quay lại soi đèn ra sau lưng. Bất ngờ tiếng động ấy lại nhiều hơn. Cứ sau một tiếng “ủng” thì có một ngọn lữa xanh bốc cháy. Sợ quá, tôi cắm đầu bỏ chạy. Nhưng càng chạy thì tiếng động lạ ấy càng ở gần ngay dưới từng bước chân. Chạy tới đâu lữa phụt theo tới đó. Đám bạn tôi, đứa nào cũng chết nhát (nhát gan-chú thích của tác giả), thấy tôi vừa chạy, vừa la thất thanh, chúng nó không biết ất giáp gì cũng chạy theo chối chết.

(Ghi theo lời kể của ông Lê Chính Trực, 69 tuổi ở Ngã tư Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Bình Nam, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang)

Chuyện thứ năm: Ma vú dài

Chú có thấy người ta bị ma giấu chưa? Tôi có gặp rồi.
Lúc tôi còn trẻ, ở miệt Thầy Ngươn này (Còn có người gọi là Trà Quơn, Thầy Quơn, thuộc ấp Vĩnh Chánh, xã Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang-Chú thích của tác giả) nhiều ma lắm, ma gì cũng có, nhưng tôi nhớ nhất là mấy con ma vú dài.
Ông nội tôi thường dặn, đừng nên chui vô lùm, vô bụi để không bị ma giấu. Đám trẻ bạn tôi cũng được cha mẹ căn dặn như vậy. Chúng tôi nghĩ rằng, chắc người lớn sợ chúng tôi bị rắn, rết cắn nên mới nói vậy. Cho nên, nếu rãnh rỗi là chúng tôi rũ nhau ra bờ tre chơi đủ thứ trò mà hầu như bây giờ không còn thấy ai chơi nữa. Thường xuyên nhất là chơi “cút bắt trốn” (trò chơi ú tim của Bắc bộ-chú thích của tác giả), vì nó không phải mất công làm đồ chơi, lại rất vui do nhiều người được tham gia cùng một lúc.
Lần nọ chúng tôi cũng chơi cút bắt trốn. Chỗ trốn thường là bụi cây rậm rạp để bạn càng khó tìm càng tốt. Sau khi chơi đã chán, chúng tôi rủ nhau về nhà.
Tới buổi cơm chiều, ba của thằng bạn mới chạy qua nhà hỏi có thấy nó đâu không để kêu nó về ăn cơm. Lúc này tôi mới sực nhớ là lúc cả bọn kéo nhau về mà quên để ý là thiếu nó. Tôi dẫn ba nó chạy qua mấy nhà khác hỏi thăm, nhưng cả xóm không ai thấy nó cả. Vậy là cả bọn chúng tôi cùng ba của thằng bạn trở ra ngoài bờ tre tìm. Mỗi người tìm một khu vực, bụi cây nào cũng không bỏ qua. Đến lúc sắp tối thì ba của thằng bạn mới tìm thấy nó nằm sau một bụi tre nhánh nhóc um tùm, mắt nhắm nghiền như còn đang mê ngủ. Nghe tiếng ba nó kêu, nó mở mắt ra còn miệng thì ú ớ chứ không nói được. Ba của nó vội vàng xốc nó dậy, xem lại trong miệng mới biết trong niệng của nó ai nhét đầy đất.
Mấy ngày sau thằng nhỏ mới tỉnh hồn. Chúng tôi hỏi, nó nói là đang trốn thì bị một con ma vú dài níu lại và đè xuống cho bú sữa rồi ngủ thiếp đi hồi nào không hay. Khi tỉnh lại thì sửa biến thành đất hết trong họng.
Tôi không tin lắm, vì tôi không biết sợ ma.
Chỉ một hôm, khi cả nhà ra ngoài đồng cấy lúa, bắt tôi ở lại coi nhà. Lúc tôi đang nằm trên cái võng giăng trong nhà thì nghe ngoài cửa có tiếng người đàn bà xin nước. Nhà nào ở vùng này cũng có mấy cái lu hứng nước mưa để uống và xài, vì hồi đó chưa có giếng khoan. Đang vào mùa mưa nên không sợ thiếu nước, nên tôi đồng ý ngay.
Nhưng nằm trong nhà mà tôi cứ nghe ở ngoài hàng ba có tiếng xối nước liên tục. Bụng nghĩ là chắc người đi đường không phải xin để uống. Như vậy thì không được, muốn tắm thì phải xuống sông chứ đàn bà thì ai lại tắm trước cửa nhà người lạ bao giờ. Nghĩ vậy, tôi phóng xuống võng, định ra ngăn bà ấy lại. Đến cửa nhìn ra thì tôi sợ hết hồn: đúng là bà ta đang ở trần tắm thật, nhưng nhìn kỹ thì cặp vú dài ngoằn như trái mướp. Một cái đang được kéo ra sau lưng cho con bú.
Lú đó cặp giò của tôi cóng lại. Tôi chỉ kịp lết vô trong buồng, lấy mềm trùm kín từ đầu tới chân cho đỡ sợ. Lát sau, tiếng xối nước im hẳn. Tôi đoán, chắc là con ma vú dài đó bỏ đi rồi. Dù vậy, tôi vẫn không dám kéo mền ra cho đền khi người trong gia đình làm ruộng về.
Từ đó, tôi tin là có ma vú dài thật.

 (Ghi theo lời kể của ông Nguyễn Tấn Phương, 65 tuổi ở ấp Vĩnh Chánh, xã Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang)

Chuyện thứ sáu: Trời đánh ma

Hồi tôi mới sanh thằng con thứ năm, lúc đó khoảng năm 1965.
Tuy nhà đông người, nhưng là con dâu duy nhất nên vừa hết kỳ nằm lữa (dân Nam bộ có tập quán cho phụ nữ nằm trên giường có bếp than ở dưới để giữ cho khỏi bị bệnh về sau, theo quan niệm dân gian-Chú thích của tác giả) là tôi ra đồng làm ruộng ngay.
Thường ngày, mỗi khi đi ruộng thì tôi gửi nó cho ông nội coi chừng, tời giờ cho bú mới vô rồi ra ruộng tiếp.
Hôm ấy đang ngoài ruộng thì trời đổ mưa lớn, sấm sét đùng đùng. Tôi chỉ biết ngồi giữa đồng chịu trận. Một lát sau, lúc trời sắp dứt mưa, tôi vừa đứng dậy thì thấy một lằn chớp xanh lè từ trên trời phóng xuống khu vực nhà mình, ngay lúc đó là một tiếng nổ long trời. Lo cho con, tôi  hết biết sợ là gì, chạy nhanh vô nhà. Chưa đến nơi đã nghe tiếng thằng nhỏ khóc thét lên không dứt. Định thần nhìn kỹ lại thì thấy một góc nhà đã sập, khói còn bốc nghi ngút.
Chạy vòng ra đằng trước thì thấy ông nội đang ẵm nó trên tay, mặt mày tái nhợt. Nhưng không ai bị việc gì. Chỉ có căn nhà là nghiêng qua một bên. Hỏi ra mới biết, lúc ông nội đang đưa cháu ngủ trên võng thì sét đánh trúng ngay cây cột cái làm gãy, cháy cả phần trên của cột và làm đứt võng. Cũng may là võng giăng ngay trên giường nên hai ông cháu té không đau.
Hôm sau hàng xóm sang tiếp sửa lại nhà, có người cho hay là chính mắt họ thấy có bóng từ trên cây dừa phóng xuống mái nhà của tôi lúc trời mưa nên mới bị trời đánh. May mà trời đánh ma, chứ nếu không thì chắc hai ông cháu thành cục than hết rồi. Người hàng xóm còn nói, khu vực này có nhiều ma lắm do vườn tược cây cối nhiều quá. Chúng ở trên cây, cho nên mới có chuyện lâu lâu trời đánh một lần, đến nỗi gãy cả ngọn cây dừa lão (cây dừa già-Chú thích của tác giả). Ông khuyên muốn bình an thì nên dọn trống bớt cây cối cao quanh nhà đi. Tôi bàn với cha và ông nội thằng nhỏ rồi tức tốc đốn hết cây gần nhà. Chắc ông ấy nói đúng, vì từ đó về sau nhà tôi không bị sét đánh lần nào nữa.
                                                        
(Ghi theo lời kể của bà Lê Thị Chiếu, 66 tuổi ở ấp Thứ Hai, thị trấn Thứ Ba, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang)

Chuyện thứ bảy: Ma rắn trả thù

Hồi đó tôi mới chừng 13-14 tuổi, sống ở Vàm Gọ Ghe (huyện An Minh). Tôi còn nhớ có ông Sáu Thẩu nổi tiếng cả miệt Kim Quy về nghề bắt rắn. Trong xóm có một tiệm hút (thuốc phiện) dành cho hương chức. Thỉnh thoảng có mấy ông quan ở trên xuống chơi thì người ta đặt ông bắt rắn hỗ về đãi khách. Ổng bắt rắn tài lắm. Chỉ cần ra rừng một buổi là đem về cả bao.
Thường thường ông hay tâm sự với mọi người là “chắc tao sanh nghề, tử nghiệp quá. Thà người ta kêu tao đi bắt cua thì còn vui, chớ bắt rắn thì cực chẳng đã mới làm”. Ông cũng ghiền áp phiện, cho nên dù có nói như vậy nhưng khi có người đặt hàng là ổng nhận liền. Làm vậy mới có tiền đi hút.
Hôm đó mấy ông hương chức có khách liền nhờ ổng đi bắt rắn. Ổng Sáu chống xuồng đi từ sáng tới trưa đứng bóng là về. Bữa đó ổng bắt được nhiều lắm. Lúc ổng bước lên bờ tôi còn thấy tay ổng xách một xâu toàn đầu rắn hỗ. Bao rắn thì ổng nhờ tôi đem xuống tiệm hút dùm. Còn ổng thì đi đốt mớ đầu rắn để bỏ. Thường thường ông Sáu bắt được con rắn hỗ nào là chặt đầu ngay rồi xâu lại đem về nhà đốt bỏ. Vì theo ông, làm như vậy để tránh để cái đầu có nọc rắn lung tung, ai vô ý đạp nhằm vào thì chết, với lại “để tránh nó trả thù”. Tụi tôi cũng từng nghe người ta kể nhiều về chuyện người ta bắt rắn, chặt đầu nhưng quên đốt bỏ. Nó thành ma rồi tự lên mái nhà rình ở đó. Chờ khi người giết nó đi ra, nó thả từ trên xuống mở miệng cắn vào đầu người đó một cái cho người đó chết để trả thù. Chuyện thực hư ra sao, tụi tôi không biết. Nhưng hôm đó thì có chứng kiến cảnh này: ông Sáu đốt xong xâu đầu rắn thì định vô nhà. Nhưng mới tới hàng ba (hàng hiên nhà) thì bổng dưng đạp trúng vào cái đầu của một con rắn hỗ. Răng của nó cắm trúng vô đầu ngón chân cái của ổng. Lúc đó tôi cũng vừa quay trở lại nhà ổng định giao lại tiền bán rắn.
Ông Sáu xám ngoét mặt mày, ngồi bệt xuống đất. Tay gở cái đầu rắn ra rồi lây dao cắt chổ có dấu răng để nặn bỏ máu độc. Thấy tôi, ổng nhờ tôi chạy gấp ra xóm la làng để người ta tới cứu.
Đúng là “sanh nghề, tử nghiệp”. Thường thì khi đi bắt rắn, ổng có đem thuốc trị rắn cắn theo để đề phòng. Nhưng bữa đó bọc thuốc của ổng đâu mất, tìm hoài không thấy. Hàng xóm mới tức tốc đưa ổng lên ghe định đi tìm thầy để trị. Nhưng hồi đó đâu có máy móc gì, chỉ chèo thôi nên chậm lắm. Mới đi xa được một đổi thì ổng chết. Tụi tôi không biết có phải là cái đầu rắn ổng đạp nhằm là do răn bí ổng giết thành ma trả thù hay không. Cũng có khi là cái đầu đó bị rớt ra trong xâu đầu rắn mà ông Sáu mới xách về.

(Ghi theo lời kể của bà Quách Thị Sinh, 83 tuổi ở Lẫm Thiết, xã Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang)
  
Chuyện thứ tám: Ông Cụt

Hồi lúc 12 tuổi, tôi với má tôi đang ngồi nhận mắm (chế biến mắm-chú thích của tác giả) ở nhà sau. Lúc đó trời cũng xế xế chiều rồi. Tự nhiên tôi ngó thấy một vầng lớn đen thui trên trời. Tôi mới hỏi: “Má ơi má, cái gì đi đen thui vậy má?”. Má tôi nhìn thấy liền hoàng hồn, kêu: “Nín! Nín đi con! Đừng có nói”. Không biết nước ở đâu tự nhiên tràn qua làm ngập hết đám sậy gần nhà.
Cùng lúc đó tôi ngồi nghe bên nhà cậu Sáu của tôi “dụa” (xua) chó. Còn nhà dượng Năm Oánh gần bên cạnh đốt cái gì đó có mùi khét dữ lắm. Khi nó vừa kéo tới, tôi và má tôi bị giật hổng giò bay tới đằng trước. May nhờ hồi đó gần nhà có trồng tràm nên má tôi câu tay vô được thân một cây tràm. Má tôi câu cứng tôi lại rồi kêu tôi ôm cứng má. Nhờ vậy mà không bị bay hết qua bên kia sông. Vừa một tay ôm cây tràm, một tay câu ngang eo ếch của tôi giữ chặt, má tôi vừa nói:
- Con ráng ôm chắc đi. Bão tới rồi con ơi, đừng buông má!
Lúc “nó” đi qua rồi mà hai mẹ con còn chưa hay. Tới khi thấy êm, tôi dòm lại nhà mình thì “nó” đã tốc dở hết mái nhà mới lợp cách đó hai ngày đem đi. Con vịt xiêm của tôi cũng bị cuốn đi vô đám rẫy của ông Quản Di rồi bỏ ở đó, mình ngó theo thấy rõ ràng. Sau khi “nó” đi rồ thì mưa kéo tới một luồng. Mưa không lớn lắm rồi ngưng.
Sau khi mọi chuyện qua rồi, người trong xóm xúm nhau bàn tán rất dữ. Lú đó tôi mới biết người ta kêu “nó” là “ông Cụt”. Các cậu tôi hỏi ông Năm Oánh đã đốt cái gì. Ổng nói là người Hải Nam (Trung Quốc) tin rằng đốt lông ngổng và cám thì khiến “ông Cụt” đi ra hướng khác. Còn cậu Sáu của tôi thì nói đó là ma quỷ nên “dụa” chó ra cho nó sủa để xua đuổi nó đi.
Mấy ngày sau tôi nghe mấy người đi rừng về kể lại, họ vẫn còn gặp con vịt xiêm của tôi dính trên một ngọn cây.

(Ghi theo lời kể của bà Quách Thị Sinh, 83 tuổi ở Lẫm Thiết, xã Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang)

Chuyện thứ chín: Ma heo

Hồi lúc mười hai tuổi. Chính tôi và em tôi đã chứng kiến chuyện này.
Trên chỗ đất của ông Quản Di toàn là rừng không. Ổng mướn người ta đào mương rồi nên có nhiều cá. Hai chị em vô đó đi câu. Hai chị em thấy có một con heo con mới xúm vô bắt. Tôi chụp dính con heo trước. Tụi tôi bắt heo được rồi bỏ vô bao đem về. Tới nhà hai chị em mới giành với nhau. Chị thì nói “của tao”, em thì giành là “của tui”. Giành đã một hồi, sau đó hai đứa đổ heo trong bao cà-gòn ra.
Lúc này cả hai đứa đều té xỉu hết: heo đâu không thấy mà chỉ thấy toàn là đất.
Qua vụ này, hai chị em tôi bệnh gần chết. Từ đó về sau má tôi không cho tụi tôi vô đó câu cá nữa. Ở đó toàn là mồ mả người ta không à.

(Ghi theo lời kể của bà Quách Thị Sinh, 83 tuổi ở Lẫm Thiết, xã Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang)

PHẦN HAI

Giá trị của chuyện ma dân gian

Gần đây, báo chí và cơ quan quản lý Nhà nước về văn hoá đã lên tiếng về hiện tượng chuyện ma xuất hiện trên các ấn phẩm văn nghệ và trên internet ngày càng nhiều. Tất cả đều cho rằng chuyện ma là một loại sản phẩm văn nghệ “nhảm nhí”.
Ngày nay sự góp mặt của một loại hình truyền thông đa phương tiện là Internet-một kênh thông tin đại chúng hiện đại, thêm vào đó là sự phổ biến của các thiết bị tiếp nhận đầu cuối (như máy vi tính) và các thiết bị nghe nhìn công nghệ cao-di động đã tạo điều kiện cho các ấn phẩm văn nghệ nội dung xấu, trong đó có các loại chuyện ma, chuyện kinh dị phổ biến nhanh chóng và rộng rãi. Hơn nữa, trong việc dàn dựng và hình thành nên những ấn phẩm không chỉ có hình ảnh, văn bản, mà còn có cả âm thanh nổi được tạo dễ dàng bởi công nghệ kỹ thuật số đã khiến cho những câu chuyện ma, chuyện kinh dị ấn tượng hơn, thu hút hơn và rùng rợn hơn. Tuy nhiên, trên cơ sở nghiên cứu một cách nghiêm túc, không phải bất cứ chuyện ma nào cũng đều là “nhảm nhí” như người ta vẫn nghĩ. Sự nhảm nhí là có thật, nhưng chỉ đúng một phần. Đó là trong trường hợp của những chuyện ma thời nay, được viết ra và lưu hành dưới dạng thành văn chứ không phải truyền miệng. Như vậy, loại văn học thành văn này không thuộc về dân gian. Hơn nữa, nội dung của nó hầu như chỉ là những câu chuyện kinh dị, ly kỳ chủ yếu để phục vụ cho những độc giả thích cảm giác mạnh, mang tính giải trí là chính chứ không mang mục đích nào khác.
Những câu chuyện được sưu tầm, giới thiệu trong phần đầu khác xa về bản chất so với các lạoi chuyện ma, chuyện kinh dị hiện đại. Đã là chuyện dân gian thì ít nhiều cũng có giá trị riêng của nó và sẽ được phân tích trong công trình này.

I/- Nguồn gốc hình thành
Chuyện ma là một nhu cầu khách quan của loài người từ xa xưa

Chuyện ma được sản sinh ra như thế nào?
Trước hết hãy bàn về nhu cầu hay đúng hơn quan hệ cung - cầu chuyện ma. Chuyện ma không tự nhiên mà có. Nó chỉ được sản sinh ra khi loài người có nhu cầu về nó và quy luật tất yếu là nếu có cầu thì có cung. Ở đây, đối tượng cầu là người nghe, đối tượng cung là người kể. Đến đây có một vấn đề đặt ra là: chuyện ma ra đời để đáp ứng nhu cầu gì của con người? Trả lời được câu hỏi này cũng có nghĩa là làm rõ được nguồn gốc của chuyện ma dân gian.
Trong các câu chuyện “ma da”, “ma tĩnh”, “bà đi”, “ông cụt”, “lữa ma”,… chúng ta thấy rằng người kể cũng chưa bao giờ nhìn thấy hình dạng của những “con ma” này. Cho đến nay vẫn chưa ai khẳng định chắc chắn rằng bản thân đã nhìn thấy nó. Có chăng là những hiện tượng mà chúng ta có thể thỉnh thoảng vẫn gặp như người chết đuối, những bọt khí dưới đáy ao hay bờ ruộng bắt lữa bốc cháy,… mà thôi. Xét trên bình diện lịch sử, tri thức con người vùng U Minh Thượng nói riêng và toàn xã hội lúc bấy giờ vẫn còn rất thấp vì khó tiếp cận với nền tri thức chung của cả nước cũng như của nhân loại bởi sự ngăn cách về không gian địa lý và bối cảnh lịch sử, trong khi việc nghiên cứu khoa học tự nhiên trong nước hầu như chưa có. Do vậy, trước những hiện tượng tự nhiên, nhất là những hiện tượng thiên nhiên dữ dội (gọi chung là những hiện tượng huyền bí), dễ gây cho con người sự hoảng sợ như sấm sét, lốc xoáy,… chưa thể hiểu được bản chất, con người chỉ biết giải thích theo quan niệm truyền thống, tín ngưỡng và sự mê tín mà thôi (và lắm lúc có cả triết lý tôn giáo). Tín ngưỡng là hệ thống các niềm tin mà con người dựa vào đó để giải thích thế giới và  thông qua đó để tìm sự an tâm cho cá nhân và cộng đồng. Còn mê tín là sự tin tưởng vô điều kiện vào cái gì đó. Lúc người xưa nghĩ là mình gặp ma, phản ứng thường xuyên nhất là niệm Phật, có khi còn “bắt ấn”. Đây là dấu hiệu tổng hợp của mê tín, tín ngưỡng dân gian và tôn giáo. 
Ngày nay, với con người đã khám phá được về bản chất của rất nhiều hiện tượng mà xưa kia vẫn còn huyền bí. Ai cũng có thể hiểu được “ma tĩnh” thực hất là kết quả sự bốc cháy của các chất khí hữu cơ (như khí mê-tal), “lữa ma” là sự tự bốc cháy của chất phốt-pho trong hài cốt, “bà đi” là hiện tượng thiên thạch rơi vào khí quyển trái đất, sấm sét là sự phóng điện từ các đám mây tích điện, “con trốt” hay “ông cụt” là kết quả của sự chuyển động không khí, “ma da” kéo đến chết đuối là do bị chuột rút,v.v… và v.v… Nhưng đối với người xưa, khi mà ánh sáng khoa học chưa rọi tới, thì thật không thể có cách nào khác tốt hơn ngoài cách hoặc là dựa vào tín ngưỡng dân gian, hoặc là dựa vào tín ngưỡng tôn giáo, hoặc dựa vào cả hai để giải thích.
Nguồn gốc thứ hai của chuyện ma không phải để giải thích thế giới tự nhiên mà là nhằm mục đích khác. Trong các câu chuyện kể về “ma rắn”, “ma cá”, “ma vú dài”, “người bị ma giấu”,… hoàn toàn không có hiện tượng thiên nhiên nào cả. Ở đây đối tượng rất mơ hồ, không xác định. Như vậy những câu chuyện được kể lại nhằm mục đích gì?
Trước hết hãy xét kỹ nội dung những câu chuyện “ma cá”, “ma vú dài”, “ma giấu”. Toàn bộ những câu chuyện này hầu như chỉ mang tính chất hù doạ người nghe mà thôi. Chính vì có tính hù doạ nên loại chuyện ma này thường gắn với một địa điểm xác định và đối tượng cụ thể nào đó. Thực chất thì người kể (cũng có thể là người sáng tạo ra câu chuyện) đã sử dụng câu chuyện nhằm những mục đích khác nhau: chuyện “ma cá” chính là để khiến cho người khác không tới tranh nơi có nhiều cá, chuyện “ma vú dài” có thể được kể ra để người khác không dám tới nhà lúc cả nhà ra ruộng, chuyện “ma giấu” nhằm tránh cho trẻ con khỏi bị rắn că1n vì chui vào lùm cây,… Riêng câu chuyện về “ma rắn trả thù” có lẽ là để nhắc nhỡ những người chuyên nghề bắt rắn độc phải luôn nhớ nằm lòng câu “sanh nghề, tử nghiệp” mà hạn chế tàn phá thiên nhiên. Còn câu chuyện ngắn ngũi về con heo ma có phần giống như một câu chuyện ngụ ngôn. Nó mang bức thông điệp đến người nghe là đừng bao giờ tham lam, lấy đi những gì không phải của bản thân để rồi phải gánh hậu quả không tốt.
Ngoài ra còn một yếu tố được xem như là một trong những nguồn gốc của chuyện ma. Cũng như bao loại hình văn học, nghệ thuật dân gian khác, chuyện ma dân gian được sáng tạo ra còn vì nhu cầu giải trí của con người xứ U Minh. Do vậy trong kho tàng chuyện ma có nhiều chuyện thuộc loại “kể chơi” chứ không nhằm giải thích tự nhiên hay răn đe, giáo dục.
Tóm lại, chuyện ma là một hình thức phản ánh nhân sinh quan, thế giới quan hay nói khác đi, là cách lý giải của người xưa đối với những hiện tượng chưa biết bản chất, nhất là những hiện tượng mang màu sắc huyền bí của tự nhiên và xã hội dưới dạng chuyện kể truyền miệng.

II/- Chuyện ma dân gian Miệt Thứ-U Minh là sản phẩm tinh thần của những lưu dân mở đất  

Những điều kiện về lịch sử, vị trí và bản sắc dân tộc, đặc tính con người Việt Nam với những phẩm chất và năng lực sáng tạo tinh thần đã sáng tạo nên nền văn hoá văn nghệ phong phú và nhiều màu sắc của Việt Nam. Trong nền văn hoá Việt Nam ấy, bản sắc văn hoá riêng của từng vùng, miền địa lý đóng góp và tạo thành giá trị của một nền văn hoá dân tộc. Văn hoá Kiên Giang không thoát khỏi quy luật ấy. Cho đến nay, những giá trị này luôn được bồi đắp qua nhiều thế kỷ, và có tính tiếp nối.
Ma là một đối tượng hư hư, thực thực, có người tin, có người không. Có hay không có ma là một thách đố lớn với trí tuệ của nhân loại thưở xa xưa và cho đến tận bây giờ, khi mà trong tự nhiên vẫn còn vô vàn những bí ẩn chưa được khoa học khám phá. Thật và ảo, tin và ngờ, tất cả in hằn trong mỗi câu chuyện về ma. Nhưng hệ quả của nó là cho đến ngày nay vẫn còn ít nhiều sự sợ hãi về ma, cũng như những hiện tượng mang màu sắc huyền bí trong tâm linh của con người hiện đại. Sợ ma là một trong những đặc tính cố hữu của loài người. Như đã phân tích, chuyện ma là một cách để con người giải thích những hiện tượng thiên nhiên chưa được hiểu tường tận, nó lại liên quan đến các trực giác (sợ nến nổi gai ốc, chân tay run lẩy bẩy, xám mặt,…) và tác động trực tiếp đến ý thức hay nói đúng hơn là những phản ứng về tâm linh (rờn rợn trong người,…) cho nên có thể khẳng định: đây chính là một sản phẩm tinh thần hay là một dạng của văn hoá tâm linh.

III/- Giá trị nghệ thuật:
Tính linh hoạt
Chuyện ma do con người tưởng tượng ra, sau đó được lưu truyền bằng con đường truyền miệng từ người này sang người khác, cộng đồng này sang cộng đồng khác, vùng miền này sang vùng miền khác, từ đời này sang đời khác. Hoàn toàn không có một tác giả cụ thể, lại càng không được lưu  giữ dưới hình thức văn bản. Cũng chính vì con đường lưu truyền như vậy cho nên thật khó cho những tác giả muốn thử tìm một nguyên bản, vì mỗi một đối tượng ma có thể sẽ có rất nhiều dị bản do mỗi người, mỗi nơi kể theo cách của riêng mình.
Kiên Giang là vùng đất được khai mở chủ yếu bởi những lưu dân gốc Bắc Hà nên những giá trị truyền thống, bao gồm văn hoá dân gian, trong đó có cả chuyện ma, một phần là được du nhập vào từ đất Bắc. Chính lẽ này mà trong rất nhiều đối tượng ma, điển hình là “ma lữa” chính là “ma trơi” của Bắc bộ. Do đặc trưng văn hoá vùng-miền mà đối tượng ma không còn được giữ nguyên gốc nữa, nhất là tên gọi. Hiện tượng này cũng xãy ra đồng thời với lịch sử phát triển của ngôn ngữ: cả hai miền có sự khác biệt trong cách gọi tên cùng một sự vật. Tuy nhiên không khó khăn lắm để tìm ra những khác biệt nhỏ về kết cấu, bối cảnh và cách diễn đạt câu chuyện. Mặc khác, ngay tại một không gian địa lý cũng không phải một mẫu chuyện đều được kể hoàn toàn giống nhau, bởi vì như đã biết, những loại hình văn nghệ dân gian khác, chuyện ma luôn được cải biên, sửa đổi trong quá trình truyền miệng. Những thay đổi đó nhằm để cho câu chuyện gần và thật hơn đối với môi trường sống của đối tượng tiếp nhận. Vì vậy, người nghe sẽ dễ tin hơn.
Ở điểm này chỉ có thể lý giải là những câu chuyện đó đã được người xưa khéo léo địa phương hoá thành những dị bản cho phù hợp với môi trường diễn xướng (không gian, thời gian nơi đang sinh sống và bối cảnh kể lại câu chuyện) của mình. Như vậy, chuyện ma có tính linh hoạt rất cao. Sự linh hoạt đó được thể hiện cả về hình thức cấu trúc và nội dung của mỗi câu chuyện. Đây là đặc điểm nổi bật nhất của chuyện ma dân gian.
 Hình thức cấu trúc
Chuyện ma dân gian có phương pháp sáng tạo và diễn đạt, có cấu trúc hẳn hoi. Bất cứ một mẫu chuyện ma nào cũng có cấu trúc đàng hoàng. Thông thường, chúng được xây dựng theo thời gian tuyến tính. Nghĩa là có bắt đầu, có diễn biến và có kết thúc như mọi câu chuyện kể dân gian khác.
Tuy nhiên, để cho câu chuyện hấp dẫn hơn, tuỳ theo người kể mà người ta có thể phá cách, đảo lộn trình tự của mạch diễn biến, nhưng vẫn đảm bảo giữ được nội dung chính của mẫu chuyện. Nhưng hiện tượng này thông thường thì rất ít xãy ra do không phù hợp với đặc điểm tâm lý của dân tộc. Sự hấp dẫn, ly kỳ phần lớn được tạo ra bởi phong cách của người kể chuyện chứ không phụ thuộc nhiều vào câu trúc câu chuyện.
Còn một đặc điểm đáng chú ý về hình thức của chuyện ma, đó là phần lớn đều có dung lượng nhỏ, thời lượng ngắn, không có câu chuyện nào dài cả. Nếu dài thì đó chẳng qua là có sự hỗ trợ của những thủ thuật kéo dài thời gian của người kể mà thôi.
Môi trường diễn xướng
Chuyện ma cần có môi trường diễn xướng phù phợp thì hiệu quả của sự tác động đến người nghe càng cao. Ít ai kể chuyện ma giữa ban ngày mà thường chọn thời gian vào ban đêm. Chuyện ma càng được kể nơi vùng sâu, vùng xa còn hoang vu, ít bóng người thì tác động tới người tiếp nhận càng lớn. Vì vậy, ngày nay trong môi trường đô thị người ta bắt đầu ít được nghe kể chuyện ma.
Chính vì  là văn hoá dân gian, cho nên chuyện ma cũng không tránh khỏi bị mai một dần trong đời sống hiện đại như nhiều loại hình khác. Sự phát triển vũ bão của khoa học, công nghệ tiên tiến đã thúc đẩy đời sống xã hội phát triển nhanh theo hướng công nghiệp hoá. Con người hiện đại, nhất là thế hệ trẻ hiện nay hiểu biết ngày càng sâu, rộng về bản chất của tự nhiên nên ngày càng ít đi người tin là có “ma” tồn tại. Không còn đối tượng (ma) để sáng tạo, đồng thời, cũng không còn nhiều người thích nghe và tin chuyện ma, những câu chuyện ma đang dần bị lãng quên.
Nội dung - Nhân vật
Nhân vật ma thường đượm vẽ huyền bí, không ai diễn tả chính xác được chi tiết về hình dạng của nhân vật ma mà họ kể. Thường thì nó liên quan trực tiếp với những hiện tượng cuả tự nhiên mà thời đó khoa học chưa giải thích được (như: ma trơi, ma tỉnh, ma da, sấm sét,…) và xem đó như là một cách giải thích để tự thoả mãn tâm linh. Dĩ nhiên, nhân vật của chuyện ma chủ yếu là ma. Cạnh đó là những người có liên quan hoặc (theo người kể) là chính bản thân họ. Do con người chứng kiến và mốc thời gian trong câu chuyện luôn mang tính chung chung nên rất khó cho những ai có ý định xác nhận tính xác thực của câu chuyện. Trong trường hợp người kể tự nhận mình là nhân vật trong câu chuyện thì lại càng không thể tin vào tính chính xác của câu chuyện được, vì nó giống như “hiện tượng Bác Ba Phi” vậy.
Bên cạnh đó, đôi khi người ta tự sáng tạo ra những con ma, loài ma trong một hoàn cảnh cụ thể thể phục vụ mục đích nào đó, chẳng hạn như: “ma da” để hạn chế  việc trẻ em bị chết đuối vì tắm sông, “ma cá” để bảo vệ khu vực có cá nhiều cho riêng mình,…
Có một điều dễ nhận thấy trong chuyện ma dân gian vùng Miệt Thứ-U Minh là không có sư xuất hiện của các loại yêu tinh, quỷ quái như ở nhiều dân tộc khác trên thế giới. Nhân vật ma nhờ vậy mà không dữ dội theo kiểu bắt người ăn thịt, hút máu người,… mà hầu như  chỉ xuất hiện để nhát cho người ta sợ chứ không làm gì khác. Hiện tượng này xuất phát từ điều mà phần trên từng đề cập: đó là những giá trị về tập quán, tín ngưỡng dân gian và tín ngưỡng tôn giáo của con người Việt Nam.
Người kể chuyện - Nghệ nhân
Muôn hình vạn trạng nhất trong lĩnh vực văn nghệ có lẽ không có gì so sánh kịp dân gian, những câu chuyện cứ truyền từ tai người này sang tai người kia, mỗi lần lại thay đổi đi một chút ít và vì thế, dường như mỗi lần càng "thật" hơn một chút, dễ tin hơn một chút. Chỉ có điều hay hay không, hấp dẫn hay không phụ thuộc chủ yếu vào “cái duyên” của người kể. Có người kể hay. Có người kể dở. Hay thì nghe xong lâu rồi mà người nghe vẫn còn bị ám ảnh. Còn dở thì sau khi nghe xong, người nghe vẫn tỉnh khô. “Cái duyên” kể chuyện ở đây thực chất là một loại nghệ thuật: nghệ thuật kể chuyện.
Cách kể chuyện của mỗi người mỗi khác, cũng thiên hình vạn trạng như các câu chuyện. Thường thì người kể không hoàn toàn chủ động kể, mà chỉ kể khi nào có điều kiện như: bất chợt có ai nhắc tới sự xuất hiện của ma ở đâu đó, xuất hiện một tượng lạ nào đó trong thời điểm có vài người chứng kiến,… Có người kể một mạch dồn dập từ đầu chí cuối, có người kể một cách chậm rãi, nhưng hấp dẫn nhất vẫn là những người biết tạm dừng đúng chỗ và tiếp tục đúng lúc. Với đối tượng thứ ba, họ còn có khả năng kể chuyện với giọng nó lên bổng xuống trầm và những thủ thuật kích thích trí tò mò của người nghe khác như: dừng lại hút thuốc hoặc uống trà vào đúng đoạn gay cấn nhất, đợi cho người nghe bị kích thích đến mức hết chtịu nỗi mới kể tiếp. Những người như vậy được dân gian gọi là người kể chuyện “có duyên” và họ xứng đáng là những nghệ nhân thực thụ.
Lời kết
Ngoài nghững giá trị trên, chuyện ma cũng góp phần không ít vào việc làm giàu cho đời sống tinh thần của con người thời kỳ còn hoang sơ ngày xưa và đóng góp một phần vào kho tàng văn nghệ dân gian của Kiên Giang, một bộ phận của văn nghệ dân gian Việt Nam. Bên cạnh đó, khi kể lại những chuyện ma, đặc biệt là những chuyện có bối cảnh càng xa xưa, người nghe còn hình dung được phần nào quang cảnh, tập quán, phong tục của cư dân  và một phần của lịch sử dân tộc trong một giai đoạn lịch sử nhất định.
Loại hình chuyện ma dân gian có giá trị riêng của nó và hoàn toàn có thể được xem là một nhánh, một dạng rất đặc biệt của văn học dân gian.  

Tác giả công trình nhỏ này sẽ tiếp tục làm công việc cần thiết là sưu tầm, nghiên cưú và lưu giữ những mẫu chuyện, câu chuyện kể về ma vùng Miệt Thứ-U Minh và rộng hơn. Xem đây là một cách để giữ gìn một phần những giá trị truyền thống của các dân tộc thiểu số ở đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian sớm nhất có thể.
   Trần Ngọc Nghị