Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2011

Ngậm máu phun người

Lẽ ra, tôi không viết phê phán bài báo Trịnh Công Sơn & tham vọng chính trị của họa sĩ Trịnh Cung (TC) công bố trên một trang web hải ngoại, khổ nỗi nó lại liên quan đến nhiều văn nghệ sĩ sống trong nước.

Hơn cả thế, nó còn liên quan đến tư cách đạo đức, thái độ chính trị một nhạc sĩ tài hoa đã quá cố: Trịnh Công Sơn (TCS). TCS là “người ơn” của nhiều thế hệ trong đó có tôi. Tại sao? Vì bằng âm nhạc, hội họa, thơ ca và nhân cách sống - anh đã để lại một thông điệp “Hãy yêu nhau đi”. Yêu để sống trong tình người. Đơn giản và sâu sắc.

Vậy bài báo của TC như thế nào mà buộc tôi - trách nhiệm một nhà thơ, nhà báo không cho phép tôi im lặng dù lâu nay tôi vẫn kính trọng tài năng và “nhân cách” của TC? Nếu không ai lên tiếng thì cái thói “lộng giả thành chân” của TC sẽ ảnh hưởng không ít đến danh dự của nhiều người lương thiện khác, thậm chí thế hệ cứ tưởng đó là “sự thật”.

Sự việc khiến thiên hạ chú ý và trở nên “trầm trọng” khi TC viết mở đầu như một lời trăn trối: “Tôi đã tự hỏi mình nhiều lần trong nhiều năm qua: có nên viết nó ra, giải thoát cho nó khỏi ngục tù trong tôi suốt hơn 30 năm qua? Sự quằn quại của nó trong cái nhà tù ký ức cũng làm tôi đau buồn đến không chịu nổi. Giải phóng cho nó là giải phóng cho chính tôi, dù có phải bị trả giá”.

Cái gì mà ghê gớm vậy?
Thật ra là những cái mà theo tôi chỉ vặt vãnh như:
1. Trong lúc “Sài Gòn rơi vào tình trạng hỗn loạn” của ngày 30.4.1975 thì “TCS từ chối ra đi và cho biết sắp nhận chức Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa trong chính phủ
Dương Văn Minh”. Có thật TCS “cho biết” như thế không hay TC cố tình “dựng chuyện” nhằm đạt mục đích chứng minh về “khuynh hướng chính trị của TCS”? Điều này ta có quyền đặt câu hỏi vì TCS đã về suối vàng làm sao cải chính? Mà thông tin này rất quan trọng đối với nhân cách TCS. Vì sao? Tôi xin không lý giải.
Về bài báo Trịnh Công Sơn & tham vọng chính trị của họa sĩ Trịnh Cung: Các văn nghệ sĩ nói gì ?

Sau khi Thanh Niên đăng bài của nhà thơ - nhà báo Lê Minh Quốc phản ứng bài viết xúc phạm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (TCS) của họa sĩ Trịnh Cung (TC), ngay trong ngày hôm qua 5.4, tòa soạn nhận thêm hàng loạt ý kiến của giới văn nghệ sĩ. Để rộng đường dư luận, Thanh Niên xin chuyển tiếp đến bạn đọc những thông tin này, qua đó có thể thấy thêm được những "sự thật" trong bài báo mà TC đã viết.

*Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Đã là bạn bè với nhau, lẽ ra TC không nên viết bài bôi nhọ TCS như thế. Nhiều anh em văn nghệ sĩ ở Huế đã phản đối. Với tôi, bài báo đó không có giá trị gì cả, vì TC là người lật lọng, đã từng bôi nhọ nhiều người, chứ không riêng gì TCS.

*Đạo diễn Lê Cung Bắc:
Nhân danh những người yêu quý nhạc sĩ TCS, tôi cám ơn Báo Thanh Niên đã cho in bài báo này. Đọc xong bài báo, tôi rất thất vọng về họa sĩ TC.

*Họa sĩ Trịnh Thanh Tùng:
Lẽ ra chính anh em trong giới mỹ thuật phải cảnh báo việc làm của TC, nhưng do cùng nghề nghiệp, do nể nang nhau nên đã không góp ý. Vì vậy khi Báo Thanh Niên kịp thời lên tiếng, anh em chúng tôi rất ủng hộ. Qua bài báo của TC, ta càng thấy người nghệ sĩ cần phải có đạo đức: làm sao TC có quyền và có đủ tư cách đóng vai "ngự sử" để phán xét người khác? Lâu nay, TC vẫn mang tiếng là người chơi với anh em nhưng lúc cần thì sẽ "trở mặt". Bài báo bôi nhọ TCS là một ví dụ.

*Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân:
Là người quen biết với anh TC, nhưng sau khi đọc xong bài của anh, tôi rất ngạc nhiên, không ngờ tại sao đến nay anh vẫn còn nuôi sự hằn học, thù hận đối với TCS đến thế. Không thể lý giải điều này. Tôi phân vân tự hỏi: phải chăng có ai đó đứng sau lưng để xúi giục TC làm một việc điên rồ như thế chăng? Trong bài của TC có quá nhiều chi tiết sai, bài báo trên Thanh Niên đã phân tích khá rõ.

Những sai sót của TC viết về anh Đinh Cường, tôi tin là anh Đinh Cường sẽ không buồn lên tiếng, dù rằng trước đây anh từng là bạn rất thân của TC. Tháng 5.2007, tôi và TC sang Boston (miền Đông Hoa Kỳ), TC đã tạm biệt tôi để đi Virginia thăm Đinh Cường. Nếu không đồng ý điều gì về Đinh Cường thì tại sao lúc ấy anh không nói thẳng với Đinh Cường mà phải đợi đến hôm nay, đúng vào ngày giỗ của TCS mới viết ra, mà ngày giỗ vốn là ngày người ta luôn nghĩ tốt về nhau?

Về trường hợp anh Ngô Kha, tôi khẳng định bấy giờ Thành ủy Huế không có chủ trương đưa anh Ngô Kha ra khu, vì anh đang là giáo sư, đang hoạt động trong phong trào yêu nước đô thị, có ý nghĩa rất tích cực đối với MTDTGP. Trong bối cảnh đó, anh Ngô Kha không nhất thiết phải ra khu. Hơn nữa, đã hoạt động bí mật thì tại sao Ngô Kha lại đi vận động TC - một anh lính cộng hòa chưa hề có biểu hiện gì trong phong trào đấu tranh - ra khu? Hóa ra, Ngô Kha "lạy ông tôi ở bụi này" sao?

Sai sót về anh Tôn Thất Lập cũng vậy. Cuối tháng 4.1975, Tôn Thất Lập, Nguyễn Xuân Lập, Võ Quê, Thái Ngọc San và tôi đang ở Hà Nội. Anh Lập chia tay chúng tôi, dẫn một phái đoàn thanh niên sang Pháp. Nếu tháng 5.1975 mà chưa giải phóng miền Nam thì Lập sẽ tiếp tục đưa đoàn đi Canada.

Trưa ngày 30.4.1975, làm sao Tôn Thất Lập có thể "tàng hình" về Sài Gòn để làm cái việc như TC viết? TC viết điều đó là mang tội vu khống (calomnie) có thể bị kiện ra tòa như chơi. Thật không thể tưởng tượng nổi, sao TC lại có thể viết "bạo tay" đến như thế? Về việc TCS ở Huế như thế nào, không đúng như anh TC đã viết đâu. Tôi sẽ trở lại bài viết của anh TC vào dịp khác, sẽ trình bày đầy đủ hơn.

Tóm lại, sau bài báo của anh TC, tôi thương cho thế hệ của TCS - trong đó có chúng tôi "Không may đã có một người bạn như thế!".

*Nhà thơ Nguyễn Thái Dương:
Đọc xong bài báo của TC, tôi thật sự bất ngờ và ngay trong đầu bật ra hai câu thơ: Thạch Sanh mắt nhíu dưới mồ/Lòng cười: "Thôi kệ cái đồ... Lý Thông!

*Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo:
Theo tôi trong đời mỗi người, ai cũng có những bí mật. Bài báo của TC nhằm công bố "bí mật" của TCS (nếu có) thì cũng đáng quý. Nhưng rất tiếc là thông tin bị xô lệch theo suy nghĩ chủ quan, vì thế hình ảnh TCS đã bị bóp méo, thậm chí còn là sự vu cáo.
TCS là một nghệ sĩ lớn nên ở ông có tính "đa nghĩa". Đừng nhìn TCS qua "một nghĩa" nào đó rồi đánh giá, phán xét chủ quan. Bài báo của TC không đáng tin cậy đã khiến cho tôi khó chịu khi nghĩ đến cái thời người ta lấy sự bôi bác, bài xích nhau với mục đích "làm nổi" mình lên. Đó là loại "tư duy lá cải". Khi TC khẳng định mình mới là người quan trọng, là "nhân chứng lịch sử" thì chính vì thế, TCS lại là đối tượng được công chúng chú ý và quan tâm hơn.

*Nhạc sĩ Thế Hiển:
Bài báo của TC đã vẽ lên một hình ảnh về TCS rất khác với những gì tôi đã chứng kiến và cảm nhận. Trong sự ngưỡng mộ của tôi thì TCS là người điềm đạm, khiêm tốn và trầm tĩnh, chứ không thể phát ngôn một cách rất thiếu văn hóa như cách anh mắng nhạc sĩ Hoàng Hiệp mà TC đã viết. Có lần, một ca sĩ thuộc hàng "sao" tuyên bố đại khái rằng, chỉ nhạc sĩ nào mời được cô ta hát thì mới nổi tiếng (!?), nghe chuyện, anh chỉ nói nhẹ nhàng: "Bậy quá!", rồi nói sang chuyện khác.

Thôi thì, cho dù lúc quá nóng giận có thể TCS nói năng thô tục với nhạc sĩ Hoàng Hiệp, nhưng với tư cách là bạn - nhất là TC luôn tự nhận là bạn thân, rất thân thiết, chí cốt nhất với TCS - sao lại đem ra bêu riếu? Khi nghe TC bêu riếu một người đã mất, tôi cảm thấy bất nhẫn quá!

Ca sĩ Ánh Tuyết:
Đọc xong bài báo của TC, thú thật tôi càng thương, càng quý TCS và cũng thật buồn vì không ngờ anh lại có một người "bạn thân, rất thân" như vậy. Tôi nghe nói rằng, TC tên thật là Nguyễn Văn Liễu, nhưng do chơi thân và mến mộ TCS nên ông mới lấy họ Trịnh đặt làm nghệ danh. Nếu đúng vậy, thì sau bài báo này có lẽ TC nên bỏ luôn cái họ Trịnh đã từng gắn bó với ông trên hành trình nghệ thuật. Khi TC nói rất thân với TCS, tôi không tin vì ông đã không hiểu "sống trong đời sống cần có một tấm lòng"; tôi lại càng không tin vì ông đã không "để cho gió cuốn đi"... những sự hằn học, ấm ức về TCS.

*Nhạc sĩ Lê Quốc Thắng:
Bài báo của TC không đáng tin cậy vì ông không đưa ra chứng cứ mà hầu hết chỉ là "nghe kể rằng..." một cách rất mơ hồ. Chính nhân cách sống của nhạc sĩ TCS đã chứng minh rằng, những điều mà TC viết chỉ là sự bịa đặt và bôi nhọ. Việc làm này phi đạo đức. Tôi đề nghị Báo Thanh Niên cần tiếp tục làm rõ vấn đề và TC cần đưa ra chứng cứ, trả lời trước công luận. Nếu không, sau này khi một người nổi tiếng đã mất lại có những bài báo "ăn theo" như kiểu TC thì rất tai hại.
Ban VHNT



2. Theo TC, về ý tưởng dự án “Ngôi đền tình yêu” không phải “của Phạm Văn Hạng và TCS được ông Võ Văn Kiệt ủng hộ” mà của kiến trúc sư Nguyễn Hữu Đống. Về vấn đề này KTS Phạm Văn Hạng cho biết, ông đang giữ toàn bộ hồ sơ, bút tích liên quan đến dự án này, nếu TC cần sẽ cung cấp. Mà thật ra hư thực của dự án ra sao - ta cũng không quan tâm lắm, nhưng khi TC khẳng định “Nguyễn Hữu Đống lập ý cho TCS viết Kinh Việt Nam” (!?) thì với thông tin này nếu TC không chứng minh được là một sự xúc phạm đến nhân cách và tài năng của TCS.


4. Ngay trong ngày 30.4.1975, khi TCS đến Đài phát thanh Sài Gòn hát bài Nối vòng tay lớn thì “bị Tôn Thất Lập, một nhạc sĩ chủ chốt trong phong trào Hát cho đồng bào đã thoát ly đi theo MTGPMN, đuổi ra khỏi phòng thu: Mày có tư cách gì mà hát ở đây!”. Nhạc sĩ Tôn Thất Lập cho tôi biết đây là sự vu khống trắng trợn mà TC cần phải xin lỗi công khai, vì lúc đó anh Lập đang hoạt động trong phong trào yêu nước ở Pháp, mãi đến tháng 8.1975 anh mới về nước.


5. Sau năm 1975, khi TCS vào lại Sài Gòn “Từ đây, dưới sự ưu ái của ông Kiệt và nhà văn Nguyễn Quang Sáng được ủy nhiệm của thượng cấp chăm sóc TCS”. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng cho tôi biết TC nói như thế là sai: “Sau ngày giải phóng, cán bộ văn phòng của Hội văn nghệ là Doãn Triều có dẫn TCS đến thăm tôi tại nhà riêng, lúc đó, tôi lấy tập tiểu thuyết Mùa gió chướng viết ở miền Bắc đem tặng TCS, trong đó có đoạn trích ca khúc Đại bác ru đêm. TCS ngỡ ngàng, vì sao một nhà văn ở miền Bắc biết đến ca khúc của mình? Nhờ thế, từ đó chúng tôi thân thiết nhau. Sau đó, tôi có đưa TCS đến thăm Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cũng chỉ là tình văn nghệ với nhau, chứ ở đây không hề có “ủy nhiệm của thượng cấp” gì cả”.


6. Theo TC, sau khi “thế đứng chính trị của TCS cũng đã được tốt hơn trước rất nhiều, có phải vì thế mà anh đã chủ quan nghĩ mình là người đến lúc nên đứng vào hàng ngũ của đảng? Sơn đem ý định này nói với tôi, tôi liền can”. Là nhân chứng, nhà văn Nguyễn Quang Sáng cho biết: “Sự việc như thế này, có lần nhạc sĩ Hoàng Hiệp nói với tôi là Hội Âm nhạc TP.HCM có ý định phát triển Đảng cho TCS, nhưng tôi không đồng ý dù biết thiện ý của anh Hoàng Hiệp là tốt.


Với tôi, TCS đứng ngoài Đảng vẫn hay hơn, chứ làm gì có chuyện như TC đã viết”. Hơn nữa, chúng ta càng bất ngờ khi TC “tiết lộ” rằng TCS không trở thành đảng viên Đảng CSVN: “là bởi sự ngăn cản của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, người giữ vai trò chính trị của Hội Âm nhạc TP.HCM và cũng là cán bộ có trách nhiệm quản lý TCS”; Và: “TCS đã chửi thẳng vào mặt Hoàng Hiệp ngay tại trụ sở Hội Âm nhạc TP.HCM: Mày là thằng mặt l…!”. (Xin lỗi bạn đọc, vì quá thô tục nên cho phép chung tôi “viết tắt”... một chữ của TC).


Ngoài những sai lệch như trên, còn có khá nhiều chi tiết sai lệch khác nhưng không ngoài mục đích “đánh bóng” cá nhân TC nên tôi không việc gì phải nêu ra. Chỉ xin đưa ra vài ví dụ nhằm bổ sung cho cái “sự thật” theo cái kiểu gọi là “họa sĩ TC” để ta thấy “giá trị” và “sự thật” của nó:


1. TC cho biết trong ngày 1.5.1975, khi ông đến nhà họa sĩ Đinh Cường gặp bác sĩ Trương Thìn và nhạc sĩ Miên Đức Thắng: “Tôi gượng gạo ngồi xuống và Đinh Cường nói với hai vị khách kia như hỏi ý: Mình cấp cho TC cái giấy chứng nhận thuộc Thành Phần Thứ 3 nhé!”.


Trao đổi với tôi, bác sĩ Trương Thìn và nhạc sĩ Miên Đức Thắng khẳng định đó là sự bịa đặt hoàn toàn! Đơn giản, bấy giờ hai anh (kể cả Đinh Cường, nếu có) chỉ hoạt động trong phong trào đấu tranh yêu nước của SVHS đô thị miền Nam, chứ không có một “chức vụ”, một “quyền hành” gì trong “ủy ban quân quản” để có thể phán một câu rất kẻ cả là “cấp cho” như TC đã viết!


2. TC cho biết nhà thơ liệt sĩ Ngô Kha đã có lần nói với ông: “Cậu vào chiến khu với mình đi, có người dẫn đường đang chờ”. Điều này không hợp lý vì bấy giờ Ngô Kha đang sống trong phong trào đấu tranh SVHS ở Huế, chứ không có ý định thoát ly. Vì thế, ngày 29 Tết âm lịch năm 1972 ông mới bị Mỹ ngụy bắt giam và thủ tiêu đến nay vẫn chưa tìm ra mộ. Hơn nữa nhà thơ Ngô Kha đã mất thì lấy gì chứng minh điều này?

Những sai sót như trên người độ lượng có thể bỏ qua, nhưng thú thật, không rõ TC nghĩ như thế nào khi ông “tuyên bố”: “tự cho mình nhiệm vụ phải ngồi lại để làm Sơn tỉnh táo hơn, để những tiếng nói bớt đi những lời xu nịnh (!?) trong lúc“rượu, phụ nữ và xu nịnh là một loại ma túy tổng hợp đang nhấn chìm TCS được ngụỵ danh dưới khẩu hiệu: Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”(?!). Vậy lúc ấy, TC như thế nào? TC tự hào: “Tôi vẫn đứng trên đôi chân liêm sỉ và theo đuổi một thứ nghệ thuật tri thức…”.

Chính vì “liêm sỉ” như thế mà TC trở nên “cô độc và bất lực” và ông lớn lối đánh giá rằng, lúc bấy giờ: “những người bạn thân một thời hồn nhiên như thế nay cũng đã cúi mình, ngoan ngoãn làm những con rối của chế độ mới, quay lưng lại với thân phận khốn đốn của đồng loại, tự hủy tri thức, lương tâm, thứ một thời nhờ nó đã làm nên những ca khúc tranh đấu cho thân phận và tự do con người, nay chọn cho mình con đường sa lầy vào rượu, thuốc và phụ nữ, tôi thấy mình thật sự cô độc và bất lực trước sự sụp đổ từng ngày của một người bạn tài hoa nhất mà tôi từng yêu quý”.


Đọc đến đây không riêng gì tôi mà độc giả bình thường cũng rú lên: “Ủa! TC là ai mà lại lớn tiếng phán xét người khác như thế?”. Ủa! Nhưng thôi, xin hãy nghe nhà thơ Đỗ Trung Quân đánh giá trong một comment về bài báo này, rằng TC “thành Khổng Tử lúc nào thế?”. Một câu hỏi chỉ riêng TC mới có thể trả lời rốt ráo.


Thưa anh Trịnh Cung,

Tại sao bài báo của anh có quá nhiều sai lệch như thế vậy? Có nhiều cách lý giải, tùy theo cảm nhận của người đọc. Nhưng theo tôi, đây cũng chỉ là một trong những thủ pháp nhằm PR cho tên tuổi của chính anh. Cũng là một cách “ăn theo” hào quang TCS quá sáng chói đấy thôi. Tại sao? Đơn giản, nếu ai có lòng tự trọng khi viết về một người đã khuất là “bè bạn” như anh đã cho biết thì chẳng ai “nỡ” hạ bút khoe khoang kệch cỡm như: “TCS trong những lúc cô đơn nhất đã đến gõ cửa nhà tôi bất kể đêm khuya hay khi bình minh vừa ló dạng để hàn huyên hoặc khoe và hỏi ý kiến tôi về bức tranh mà anh vừa vẽ” (!?). Những chi tiết rất khó kiểm chứng như thế này không thiếu trong bài Trịnh Công Sơn & tham vọng chính trị của TC.

Thật ra, phê phán anh TC là một điều khó khăn, vì so với tôi - thế hệ cầm bút trưởng thành sau năm 1975 - thì anh vẫn là người trước trong lĩänh vực văn học nghệ thuật lẫn tuổi đời, tuổi nghề. Vậy bày tỏ thái độ như thế nào? Tôi hỏi mẹ tôi - năm nay gần 90 xuân xanh - mẹ tôi bảo: “Sống ở trên đời đừng bao giờ “ngậm máu phun người”, vì người chưa bẩn nhưng miệng ta đã bẩn”.


Lê Minh Quốc
Thử bàn về 3 cách viết về Trịnh Công Sơn*


Về Trịnh Công Sơn (TCS), xưa nay thường có 3 cách viết: 1.

Những bài kể lể, kiểu như TCS là bạn tôi, thầy tôi, thần tượng của tôi, là hàng xóm, đồng nghiệp, người cùng quê, người tình, người "cùng chiến tuyến", "cùng mặt trận"… Nói chung viết để thấy "tôi" là người cũng "khá quan trọng", là có thể quàng vai, choàng cổ, ngồi chung bàn, nằm chung chiếu… với TCS. Tôi đưa những trường hợp bài viết này lên vị trí số 1, vì thực tế thì theo chủ quan của tôi, phải có đến 90% số bài viết về TCS khai thác theo hướng này. Vì công việc, tôi cũng đã đọc lướt qua khoảng 200 bài kiểu như vầy, đọc ở sách, báo, tạp chí và Internet… Và theo chủ quan của tôi, thì chẳng mấy giá trị, ngoài chuyện "giết thời giờ", có tính cách thù tạc, kiểu chuyện làng văn nghệ… Đọc những bài này chỉ để biết 2 điều: người viết ra bài đó "kể công" của mình với TCS như thế nào; và 1 chút "giai thoại", hay "kỷ niệm" [theo nghĩa rộng của 2 từ này] về TCS.

2.

Những bài viết đi vào chuyện môn và nghiên cứu về TCS, như: tiểu sử, âm nhạc, ca từ, tính triết lý, một quan niệm nghệ thuật… Theo chủ quan của tôi, thì những loại bài như thế này chỉ có khoảng 5% trong tổng số những bài đã viết về TCS. Tôi nghĩ nhân dịp này, những ai có quan tâm tới TCS theo nghĩa thứ 2 này, có thể tìm đọc lại nhưng bài viết của John C. Schafer, Đặng Tiến, Bùi Vĩnh Phúc, Ban Mai, Hà Vũ Trọng… và khoảng 4-5 người nữa. Cá nhân tôi thích cách viết của 3 người: John C. Schafer [Bài "Hiện tượng Trịnh Công Sơn"], Đặng Tiến ["Đời và nhạc Trịnh Công Sơn"],Hà Vũ Trọng ["Chiêm ngắm Đóa hoa vô thường". Những bài viết dạng này giúp cho độc giả "sáng" hơn, dù có tiếp xúc hay không tiếp xúc với TCS, nó vượt qua được tính thời gian - để khơi gợi một cái nhìn từ tương lai [nghĩa là các thế hệ sau] vào quá khứ [là thế hệ TCS], nếu TCS còn đáng nhìn.

Nền nghệ thuật VN vốn nhỏ bé, tạm bợ… nên cá nhân tôi cho rằng TCS vẫn còn là đề tài để nhiều thế hệ nhìn ngó. Tôi thích nhưng bài viết kiểu [số 2] này, vì qua thời gian, những người cùng thời và có quen với TCS cũng sẽ chết đi, vậy cách viết trung lập và dựa trên văn bản vẫn là có tình, có lý nhất.


3.

Bài viết của Trịnh Cung thuộc nhóm tác giả [số 3], mà tôi cho rằng nó thuộc vào số những % ít ỏi còn lại. Những bài viết dạng này rất có tính thách thức với người đọc, vì nó đụng vào những chuyện kiểu "thâm cung bí sử" - mà vì nhiều lý do nào đó, luôn bị giấu kín, hoặc khi nói ra, luôn bị bóp méo, xuyên tạc.

Với bài viết của Trịnh Cung, tôi cho rằng những người còn sống, có liên đới, hoặc có cứ liệu, có chứng kiến, hoặc bị đề cập đến… cần phải lên tiếng. Bởi trong suy nghĩ và nghi ngờ của nhiều người, thì: "Sự thật phải được nhiều người đồng thuận!", dù nhiều khi sự thật không phải như vậy. Tôi không muốn truy xét và cũng không có thẩm quyền truy xét nội dung, độ chân thật và mục đích bài viết của họa sĩ Trịnh Cung. Tuy nhiên, từ góc độ người đọc, tôi nghĩ Trịnh Cung đã có cách hành xử dũng cảm - vì dám chống lại những "tâm hồn", những "cái tâm" trong nhóm tác giả số 1, vốn rất đông đúc.


Đó là chưa nói, dám chống lại những người yêu mến và thần tượng TCS, yêu một cách "vô tâm, vô lý", yêu "mê muội", không cần lý lẽ… nghĩa là vì yêu mà muốn đứng ngoài tất cả những "thị phi" về tiểu sử,lịch sử và con đường nghệ thuật của TCS. Yêu không cần phân tích và nghiên cứu trung lập, độc lập. Những bài viết của nhóm tác giả số 2 thường ít được đọc [theo thống kê qua mạng Internet] và ít được đề cập, phân tích, trao đổi, thảo luận… là một minh chứng.


Cho nên, bằng cách nào đó, những người có "liên đới trách nhiệm", hoặc "liên lụy" tên tuổi với bài viết của Trịnh Cung, cá nhân tôi nghĩ họ cũng cần nói một điều gì đó. Bởi khi tất cả, hay từng "sự kiện" và "vấn đề" trong bài viết của Trịnh Cung được "đối chấp", "làm rõ"… thì sử liệu về cuộc đời nghệ thuật của TCS sẽ thêm một vài tiểu mục đáng lưu ý và cần nghiên cứu kĩ càng hơn.


La Hán Phòng 5.4.2009

Lý Đợi

Về con người chính trị của Trịnh Công Sơn

Trịnh Công Sơn gây nhiều tranh cãi là do ở những ca khúc ông viết về chiến tranh, thân phận và con người Việt Nam trong một giai đoạn cực kì tang thương của đất nước. Ông đứng về phía nào của cuộc chiến thì chẳng bao giờ ông nói rõ, vì thế người đời phải dùng lời ca, hay ghi nhận những sự kiện liên quan đến Trịnh Công Sơn rồi suy đoán.

Bài viết mới của Trịnh Cung là những ghi chép đáng được đón nhận, phân tích và phản biện. Chỉ rất tiếc là trong hoàn cảnh hiện tại, có những điều mà một số người trong cuộc chưa thể nói ra, hay nói thật.

Trong bài viết Trịnh Cung có nhắc đến một sự kiện quan trọng xảy ra tại đài phát thanh Sài Gòn ngày 30.4.1975 khi Tôn Thất Lập có lời hằn học với Trịnh Công Sơn. Trong bài Trịnh Cung cũng nhắc đến Nguyễn Hữu Thái mà tôi có dịp đọc một số tài liệu của ông Thái viết về ngày 30.4 tại Dinh Độc Lập và đài phát thanh Sài Gòn. Trong một tài liệu phổ biến năm 2005 qua mạng BBCVietnamese ở hải ngoại và năm vừa qua trên tạp chí Xưa & Nay trong nước, số tháng 4.2008, Nguyễn Hữu Thái không nhắc gì đến việc Trịnh Công Sơn lên đài hát “Nối vòng tay lớn”. Bỏ qua sự kiện này của một người từng là nhân chứng cho thấy có gì đó còn chưa rõ hay không hợp với quan điểm của chính quyền hiện tại.

Về việc Trịnh Công Sơn có thể được chọn làm Quốc vụ khanh đặc trách Văn hoá, tôi tin thông tin kiểu như thế có thực trong những ngày khi mà quốc hội Việt Nam Cộng hoà bàn thảo việc chuyển giao quyền hành. Không phải chỉ có Trịnh Công Sơn mà một số người thuộc những nhóm chính trị khác nhau cũng đã được bắn tiếng cho nắm những chức vụ trong chính quyền mới. Lúc đó tôi có nghe đến việc ông Trần Minh Tiết có thể làm thủ tướng hay tướng Nguyễn Cao Kỳ đảo chánh và lập chính quyền mới và một người tôi biết có thể sẽ nắm chức bộ trưởng trong nội các mới. Trong giai đoạn khủng hoảng chính trị lúc đó ở miền Nam, cùng lúc người Mỹ muốn rút toàn bộ và không muốn bị người Việt coi là phản bội để rồi có hành vi chống lại người Mỹ trong những giờ phút chót thì việc tung tin ủng hộ hay không ủng hộ một nội các nào đó chỉ là loại thông tin trấn an, đem hi vọng ảo để người Mỹ thực hiện kế hoạch của họ.
Về con người chính trị của Trịnh Công Sơn tôi đã có bài viết trên talawas.org ngày 1.4.2008, xin trích lại một đoạn sau đây để độc giả có thêm tài liệu:


Trong hồi kí nhan đề N.D.B. [1], ông Nguyễn Mâu, cựu đại tá cảnh sát, là cấp chỉ huy tình báo Việt Nam Cộng hoà từ 1968 đến 1972, có đưa ra những sự việc nhưng không dẫn đến kết luận vững vàng cho thấy Trịnh Công Sơn có hay không hoạt động cho cộng sản.

Ông Mâu kể chuyện vào năm 1969 Trịnh Công Sơn bị một đơn vị cảnh sát bắt giao cho Ngành Đặc biệt và chính ông đã nói chuyện với Trịnh Công Sơn. Qua buổi nói chuyện đầu tiên, ông Mâu có cảm tưởng Sơn không phải là người cộng sản. Khi hỏi thẳng Sơn có hoạt động trí vận, có viết nhạc theo chỉ thị, có hoạt động cho hội văn nghệ sĩ yêu nước, thì câu trả lời của Sơn là không.

Ông kể cho Sơn nghe về những tài liệu ông có được cho thấy chính Bộ Chính trị miền Bắc mới lo sợ bộ đội cộng sản nghe nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn và chính phía chính quyền miền Nam đã cho phát thanh những bài nhạc này, với tiếng hát Khánh Ly, từ máy bay xuống dọc đường mòn Hồ Chí Minh để cho bộ đội nghe, cụ thể là bài “Gia tài của Mẹ”. Kể xong ông Mâu hỏi Sơn nghĩ sao về chuyện này? Người nhạc sĩ không trả lời, nhưng trên nét mặt “sáng rỡ, niềm vui không giấu giếm, mắt long lanh hàm chứa sự thích thú và hài lòng đến cùng độ. Chúng tôi không nghĩ rằng anh vui mừng vì có tinh thần chống cộng cao độ. Chúng tôi cũng không nghĩ anh giả vờ vui để tỏ ý chống cộng trước một viên chức thuộc ngành công an. Anh đã vui vì tâm tư và ý tưởng đối với quê hương tang tóc, về một cuộc chiến tương tàn cần phải chấm dứt đã được gửi gắm đi xa, qua làn sóng điện đến với những người có trách nhiệm”. (N.D.B. tr. 222)

Tác giả Nguyễn Mâu ghi lại lời Trịnh Công Sơn nói với ông:
“Tôi không kêu gọi họ buông súng hay mang súng trở về như Bộ Chiêu hồi, nhưng tôi đã làm việc ấy một cách tế nhị và rất thâm trầm như bài ‘Lại gần với nhau’ với lời nhạc ‘… đừng bỏ tôi… đừng bỏ tôi… đi hai mươi năm qua… còn gì cho anh… còn gì cho tôi… không còn gì… không còn gì… còn lại chiến tranh… hai mươi năm chinh chiến mẹ ngủ không yên…’ Và còn nhiều nữa, tôi đã nói thẳng với họ hãy vượt mọi trấn áp, từ bỏ rừng núi… mà trở về cùng với dân tộc đang chịu quá nhiều đoạ đầy thống khổ như bài ‘Nối vòng tay lớn’ với câu kết luận ‘Vượt thác cheo leo… hay ta vượt đèo… từ quê nghèo lên phố lớn… nắm tay nối liền biển xanh sông gấm… nối vòng tay lớn…’ Tôi đã nói chuyện với họ như bằng hữu, như anh em chứ không phải như ông Bộ trưởng Chiêu hồi. Phương cách của tôi theo tôi nghĩ có thể thích hợp và được họ vui vẻ chấp nhận và lĩnh hội hơn. Tôi thương yêu và kính trọng họ thật, với tình người thật, với tinh thần ruột thịt thật và muốn trải với họ chút tâm sự thật. Tôi có thể bị công an, bị chính ông kết tội nhưng đó là sự thật tôi không giấu giếm. Cũng bằng cách này, tôi đã gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh cho những giới chức chỉ đạo chiến tranh của bên này và cả bên kia”. (sđd, tr. 223)

Tiếp xúc trực tiếp nhiều lần với Trịnh Công Sơn, tác giả Nguyễn Mâu có nhận xét: “Anh Sơn rất vô tư trong chính trị, với lập trường không thiên vị, không theo những người quốc gia triệt để mà cũng chẳng theo cộng sản. Qua những lời tâm sự, có thể anh đã phải tránh qua, né lại, lúc chường, lúc trốn, dù là bạn nhưng vẫn phải đối phó với Hoàng Phủ Ngọc Tường và vài người khác vốn là cơ sở trí vận cộng sản”. (sđd, tr. 224)
Theo tác giả, người nhạc sĩ này “là một nghệ sĩ có tâm hồn đang đau nhức với cái đau nhức của dân tộc và sáng tác vì cái đau nhức ấy”. (sđd, tr. 215)

Rồi ông Mâu nhắc đến Nguyễn Thanh Ty là tác giả của tập sách Về một quãng đời của Trịnh Công Sơn là một người gần gũi với Sơn ở trường sư phạm Qui Nhơn. Ông Ty nhận xét trong những năm chung sống với nhau không có dấu chỉ nào cho thấy Trịnh Công Sơn là Việt cộng. Nhưng những liên lạc, gặp gỡ giữa Trịnh Công Sơn với Hoàng Phủ Ngọc Tường trong giai đoạn này, 1965-1969, còn là một dấu hỏi lớn và có thể đó là những thất bại của tình báo Việt Nam Cộng hoà mà ông Nguyễn Mâu có một phần trách nhiệm.

Tác giả Nguyễn Mâu đã tỏ ra ngạc nhiên khi nghe bài ca “Nối vòng tay lớn” đã được những “bọn chạy hiệu Ba mươi tháng Tư” diễn giải theo một nghĩa khác, không như ý của Trịnh Công Sơn trước đó ít năm.